Trẻ F0 có nên xét nghiệm mỗi ngày, có được uống thuốc kháng virus molnupiravir, xử trí hạ sốt giảm ho… là những thắc mắc thường gặp của phụ huynh.

“Chỉ có xét nghiệm mới biết trẻ đã mắc Covid hay chưa, không có xét nghiệm thì chỉ là nghi ngờ”, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM, chia sẻ, ngày 30/3. Hiện, hai phương pháp xét nghiệm Covid là RT-PCR (giá trị khẳng định) hoặc test nhanh (tầm soát), trong đó thuận tiện nhất là test tìm kháng nguyên nhanh qua dịch tỵ hầu. Kit test có bán tại các nhà thuốc, người dùng tự lấy mẫu dịch tỵ hầu (qua mũi) và xét nghiệm theo hướng dẫn sử dụng kèm theo, kết quả hiển thị sau 10 phút. Nhiều trẻ nhỏ hoặc quấy không hợp tác cho làm xét nghiệm thì đưa đến các cơ sở y tế để test.

Các câu hỏi thường gặp được bác sĩ Nam giải đáp như sau:

Uống thuốc hạ sốt

Cho trẻ uống hạ sốt bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần. Sau khi uống thuốc một giờ nhớ cặp nhiệt độ xem có giảm nhiệt (chứ không phải hết sốt) hay không. Mỗi 4 đến 6 giờ cặp nhiệt độ một lần xem có sốt cao không để uống thuốc tiếp.

Giảm ho

Cho trẻ uống thường xuyên và nhiều nước ấm, mỗi lần 1/2 ly. Trẻ sốt cao nên uống thêm nước bù điện giải tác dụng giảm ho vừa giúp bớt sốt. Trẻ uống thêm các loại siro ho thảo dược giúp cơn ho nhẹ hơn.

Chữa đau họng

Trẻ lớn có thể súc miệng nước muối, khò nước muối loãng nhiều lần. Trẻ nhỏ uống nước ấm cũng giúp bớt đau họng.

Bé đau đầu, nhức mỏi tay chân, không sốt cao

Trường hợp này cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt có tác dụng giảm đau, bớt nhức mỏi, bớt đau đầu.

Trẻ có dùng thuốc đặc trị Covid?

Thuốc kháng siêu vi không được dùng cho trẻ dưới 18 tuổi.

Xử trí khi trẻ ăn uống ít, nôn ói

Trẻ ói nên tạm ngưng ăn uống trong 1-2 giờ để bớt kích thích ruột. Sau đó, cho trẻ ăn ít bằng thìa, các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu, ăn nhiều bữa trong ngày, ăn những món ưa thích.

Trẻ kiêng gì không?

Kiêng nhiều thứ, chẳng hạn không tự ý uống thuốc không rõ loại hay truyền nhau trên mạng mà không có chứng cứ, không uống thuốc kháng sinh kháng viêm bừa bãi. Kiêng những thực phẩm “nghe đồn” làm tăng sức đề kháng mà không có kiểm chứng. Kiêng xông hơi, xông lá, dễ có nguy cơ bị bỏng do nước sôi.

Bé có cách ly với mọi người trong nhà?

Những người cùng bị nhiễm có thể ở chung phòng với nhau. Ngay khi có biểu hiện nghi ngờ hoặc xét nghiệm dương tính, trẻ cần tránh tiếp xúc người già, người bệnh mạn tính để hạn chế lây cho nhóm này.

Có cần xét nghiệm mỗi ngày?

Chỉ cần mỗi 5 ngày xét nghiệm lại cho đến khi còn một vạch. Đa số trẻ âm tính sau một tuần đến 10 ngày kể từ lúc phát bệnh. Thông thường, các triệu chứng ở trẻ em sẽ bớt sau hai ngày, thời gian còn lại bé vẫn cần cách ly để hạn chế lây nhiễm cho những người khác.

Khi nào đưa trẻ đi bệnh viện?

Đưa trẻ đi viện trong các trường hợp: Ho liên tục, cảm giác tức ngực, khó thở; sốt trên ba ngày, đo SpO2 còn dưới 95%; khi nôn tất cả mọi thứ, không ăn uống gì được; khi có biểu hiện lạ mà phụ huynh không yên tâm, không hỏi được ai.