Chính sách ưu đãi từ Chính phủ như giảm phí trước bạ, gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt được kỳ vọng là động lực chính cho sự phục hồi của ngành ôtô trong nửa cuối 2023.

Nhu cầu ôtô dự báo bùng nổ sau giảm phí trước bạ và loạt ưu đãi khác
Quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô giảm 50% từ ngày 1.7. Ảnh: Cường Ngô

5 tháng đầu năm 2023 là quãng thời gian ảm đạm với ngành ôtô. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), sản lượng ôtô bán ra thị trường trong nước 5 tháng đầu năm nay giảm 36% so với cùng kỳ, đạt 113.527 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe cá nhân và xe lắp ráp giảm lần lượt 43% và 40%. Nguyên nhân chủ yếu do kết thúc ưu đãi giảm phí trước bạ và nhu cầu yếu vì lãi suất cho vay mua ôtô cao.

Nhu cầu sụt giảm kéo theo hàng tồn kho dâng cao. Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 61.974 ôtô nguyên chiếc, tăng 21% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2023. Để giải bài toán tồn kho cao, các hãng xe và nhà phân phối đang áp dụng chính sách giảm giá mạnh lên tới 100% lệ phí trước bạ cùng nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn khác.

VAMA đánh giá, mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ôtô trong quý I/2023 vẫn gặp nhiều khó khăn cùng doanh số bán hàng suy giảm. Điều này cho thấy, những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ôtô Việt Nam trong năm 2023.

Tuy nhiên, tín hiệu lạc quan đã xuất hiện khi Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm nay. Ông Nguyễn Đức Hảo – chuyên viên phân tích từ VNDIRECT – kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023 có thể thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng xa xỉ như ôtô.

Động lực quan trọng khác là một loạt chính sách ưu đãi từ Chính phủ. Cụ thể từ ngày 1.7 đến hết năm 2023, quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước chính thức có hiệu lực.

Trước đó, sau khi được áp dụng giảm lệ phí trước bạ trong nửa cuối 2020 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh số bán ôtô toàn thị trường chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ. Đặc biệt, doanh số bán ôtô con trong nửa cuối 2020 đạt 189.451 chiếc, tăng 76% so với 6 tháng đầu năm 2020 và 33% so với cùng kỳ. Trong khi con số này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 252.932 chiếc, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, đây là lần thứ 4 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn nhằm hỗ trợ và phục hồi sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời hạn nộp thuế môn bài phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 chậm nhất là ngày 20.11.2023. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21.6.2023 đến hết năm nay. Hết thời gian gia hạn theo nghị định này, việc nộp số thuế này sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành.

Nhu cầu cũng nhen nhóm từ phía xe điện khi đây sẽ là xu thế trong tương lai. Cơ quan Phương tiện Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo doanh số bán xe điện toàn cầu sẽ tăng lên 14 triệu chiếc vào năm 2023, tăng 35% so với cùng kỳ và đạt tổng thị phần khoảng 18% doanh số toàn cầu. Nếu tận dụng tốt xu hướng này, doanh nghiệp sản xuất xe điện của Việt Nam sẽ hưởng lợi trong dài hạn.