Trong hơn một tháng qua, chị Nhàn đã chi gần 10 triệu đồng mua bộ kit xét nghiệm nhanh để hai vợ chồng tự test trước khi từ công ty về nhà mỗi ngày.

“Xẩm tối, ở nhà tôi sẽ diễn ra cảnh mẹ chồng chặn trước cửa hỏi ‘que test đâu?’. Nhìn thấy hai que một vạch bà mới cho vợ chồng vào nhà”, chị Nhàn, 34 tuổi, ở quận Hà Đông chia sẻ.

Không như một số người có tâm lý “rồi ai cũng thành F0”, gia đình chị vẫn thực hiện chế độ phòng thủ nghiêm ngặt giống như thời chưa tiêm vaccine. Mẹ chị có nhiều bệnh nền, dù đã được tiêm 3 mũi, hai con nhỏ chưa tiêm, trong đó cháu lớn bị béo phì, sợ mắc Covid-19 dễ biến chứng nặng nên cả nhà không thể chủ quan.

Nhàn làm tại một công ty truyền thông có hơn 150 nhân viên với văn phòng mở, cứ cách vài ngày cơ quan lại ghi nhận ca dương tính. Ông xã chị làm quản lý thị trường, mỗi ngày tiếp xúc bao người không đếm xuể. Vì thế, bất kể mưa gió hay lạnh dưới 10 độ như những ngày qua, hai vợ chồng vẫn phải ở bãi đỗ xe nửa tiếng test Covid-19 cho nhau rồi mới về nhà.

Trước Tết, ông xã Nhàn test hàng ngày, còn chị hai ngày một lần. Từ ra Tết tới nay, họ gần như phải test hàng ngày vì tình cảnh “F0 đông hơn F1“. “Làm được bao tiền đổ vào kit xét nghiệm hết cả, mỗi lần mua kit là một lần đau ví”, Nhàn than thở.

Giá mỗi bộ kit (que) test nhanh chị mua dao động từ 55.000 đồng đến 95.000 đồng. Tổng cộng hơn một tháng qua, Nhàn đã mua 30 hộp, mỗi hộp 5 que, ước tính chi phí gần chục triệu đồng.

Chị Nhàn mua 10 hộp test nhanh, tổng gồm 50 kit nhưng chỉ còn từng này sau hơn hai tuần sử dụng. Ảnh: Mai Hương
Chị Nhàn mua 50 que test hôm mùng 6 Tết nhưng chỉ còn từng này sau hơn hai tuần sử dụng. Ảnh: Mai Hương

Hơn một tháng qua, Hà Nội thường xuyên dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày, như tối 22/2 tiếp tục lập kỷ lục mới với 6.860 ca, nâng tổng số người nhiễm của thủ đô lên trên 210.000 ca. Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 17/2, Hà Nội có gần 149.000 bệnh nhân đang điều trị tại nhà, chiếm 96,58% tổng số ca Covid-19 đang điều trị.

Theo giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, số ca nhiễm tăng cao đã nằm trong dự báo khi thành phố mở lại toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như văn hóa, lễ hội, giải trí. “Số liệu ca nhiễm không thực sự chính xác và không còn nhiều ý nghĩa ở thời điểm hiện tại”, bà nói và cho biết tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng ở thủ đô hiện “trong ngưỡng an toàn”.

Nhưng với người dân Hà Nội, “ngưỡng an toàn” vẫn là không để bị nhiễm virus, nếu nhiễm cũng được phát hiện sớm để ngăn lây cho trẻ nhỏ, người cao tuổi trong nhà.

Ngoài tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc test nhanh, các gia đình thủ đô cũng đang rủ nhau tích trữ thuốc thang, trang thiết bị cần thiết để sẵn sàng cho quá trình điều trị tại nhà. Trong hơn 20 gia đình mà phóng viên VnExpress khảo sát hôm 21-22/2, hầu hết cho biết đã có sẵn que test nhanh tại nhà, thuốc hạ sốt, oresol, các loại đèn xông tinh dầu, bồ kết và thực phẩm. Một số nhà thậm chí chuẩn bị máy đo nồng độ oxy SpO2, Chloramine B để khử trùng và một số loại thuốc trị Covid-19. Trong số này, que test nhanh được ưu tiên nhất và thường xuyên phải bổ sung.

“Nhà có vợ mang bầu nên cứ hai ngày tôi tự lấy mẫu xét nghiệm một lần và triệt để đeo khẩu trang, ngủ riêng với vợ con từ sau Tết tới nay”, Chí Quân, 28 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, chia sẻ.

Tuần trước, anh Quân tiếp xúc với 7 ca F0. “Hôm hàng xóm tổ chức hát karaoke mừng sinh nhật con, hôm sau con họ dương tính và lần chuyển đồ với đồng nghiệp buổi sáng, đến chiều họ lên hai vạch”, Quân cho hay.

Ban đầu anh chỉ mua lẻ vài que tại hiệu thuốc, song tình hình dịch phức tạp đã đặt mua luôn hai chục que, vì xác định “trước sau cũng hết”. “Chỉ riêng tiền mua que test hai tuần qua đã ngốn 1/6 tháng lương của tôi”, anh Quân, công tác trong lực lượng vũ trang, cho hay.

Từ khi học sinh Hà Nội đi học trở lại hôm 8/2, số tiền chi cho kit xét nghiệm chiếm đáng kể trong chi tiêu của gia đình chị Phương Mai, quận Cầu Giấy. Chị có hai con lớp 7 và 11, gần như ngày nào các con đi học về cũng thông báo có bạn trong lớp dương tính. Cơ quan chị Mai và ông xã cũng trong tình trạng “nhẩy số F0” liên tục. Vì thế gia đình xét nghiệm định kỳ 2 ngày một lần.

“Mặc dù cả nhà đã tiêm vaccine, bạn bè cũng bảo nếu dính nhẹ lắm, nhưng các di chứng hậu Covid-19 đâu có ai nói trước được”, chị Mai nói. Trước gia đình chị dùng 4 bộ mỗi lần, mỗi tuần mất tiền triệu. Sang tuần này thấy bán dạng que lấy mẫu gộp nên chị mua dùng để tiết kiệm chi phí.

Đây là một phần trong số các kit anh Cảnh đã sử dụng từ khi mắc Covid-19 tới nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đây là một phần trong số các kit anh Cảnh đã sử dụng từ khi mắc Covid-19 tới nay. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà anh Xuân Cảnh ở quận Hoàng Mai với 6 thành viên cũng mua 30 bộ hết 2,1 triệu đồng với dự định dùng dần. Song từ lúc anh bị nghi ngờ dương tính hôm 12/2 tới nay, gia đình đã dùng hết số này. Hôm nay anh đặt mua tiếp mà giá đã tăng hai mươi nghìn một que so với trước.

Trước tình hình ca nhiễm đang tăng nhanh trên khắp cả nước, đang xảy ra hiện tượng tăng giá kit xét nghiệm, nhiều nơi khan hàng. Khảo sát một số nhà thuốc tại quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, người bán đều cho biết giá kit tăng lên hàng ngày.

Chị Hồng Anh, một người bán online ở quận Thanh Xuân, cho biết mới cuối tuần trước chị còn gom được kit test công nghệ Pháp, sản xuất ở Trung Quốc giá 45.000 đồng một que, bán cho người quen 50.000 đồng. Song, ở hiện tại cùng sản phẩm ấy, giá đã đẩy lên gấp đôi. “Người quen hỏi suốt ngày, đặt mua 5-10 hộp cùng lúc mà giá cao quá không dám gom bán”, chị nói.

Chị Thảo Linh, một người bán online ở quận Hà Đông cho biết, các ngày qua thường xuyên nghe khách than thở “đau ví” vì chi cho kit xét nghiệm. Có nhà 9 thành viên, một tuần test hai lần, phải chi tới 1,5 triệu đồng tiền que thử.

Gần một tuần nay chị bán sản phẩm que test nhanh mẫu gộp, với giá 89.000 đồng một hộp 50 que. Các gia đình chỉ cần mua một bộ kit test và dùng thêm que này, tính ra mất chưa tới 100.000 đồng mỗi lần. “Thời điểm có tin học sinh tiểu học nội thành quay lại trường, tôi bán rất đắt khách, mỗi ngày được ít nhất 1.000 que”, chị cho hay.

Theo Linh, cách dùng que lấy dịch mẫu gộp là bài toán kinh tế đang được nhiều cơ quan đoàn thể áp dụng, ngay cả cơ quan của cô. Khi bán cho khách, Linh gửi kèm video hướng dẫn thực hiện của bác sĩ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Về phần vợ chồng Nhàn, do test liên tục nên chị bị mũi đau, vài hôm nay phải đổi từ ngoáy mũi sang lấy nước bọt. Tuy nhiên phương pháp này không mấy hiệu quả nên Nhàn vài hôm tới lại quay về lấy dịch hầu họng. Mấy bữa nay trở lạnh, hai vợ chồng chị bị ho, mẹ chị không yên tâm còn bắt đi bệnh viện làm PCR.

“Giờ F0 nhan nhản khắp nơi, nhiều người nhiễm không có triệu chứng hoặc không khai báo nên thà mất tiền đổi lấy an toàn còn hơn”, Nhàn xua tay nói khi được khuyên “chỉ xét nghiệm nếu có triệu chứng nghi ngờ và yếu tố dịch tễ rõ ràng” để đỡ chi phí.