Thị trường ô tô trong nước đã sôi động trở lại trong tháng vừa qua khi phần lớn các mẫu xe đều có lượng bán ra tăng trưởng 2 con số. Thời gian tới, Chính phủ có thể sẽ bơm thêm “doping” cho thị trường với việc giảm 50% lệ phí trước bạ.
Thị trường ô tô đang ấm dần lên sau tháng 1 chạm đáy
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường trong tháng 2/2023 vừa qua đã tiêu thụ tổng cộng 23.040 ô tô các loại, tăng trưởng hơn 33% so với tháng đầu năm (với 17.314 xe).
Số liệu trong tháng 2/2023 của Hyundai Thành Công cũng cho thấy kết quả sáng sủa với 5.467 xe bán ra, tăng tới 56,4% so với tháng 1 (với 3.496 xe). Còn VinFast dù chỉ đạt 416 chiếc trong tháng 2 cũng đã tăng nhẹ 8% so với tháng trước đó (tháng 1/2023, doanh số của VinFast chỉ đạt 385 xe).
Nhìn vào số liệu trên có thể thấy bức tranh tổng thể của thị trường ô tô trong nước vẫn đang đi đúng với quy luật hàng năm khi “chạm đáy” vào tháng tết Nguyên đán và bắt đầu tăng dần vào những tháng sau đó.
Các dòng xe bán chạy tháng vừa qua cũng ghi nhận sự bứt tốc mạnh mẽ. Nếu ở tháng 1 chỉ duy nhất Hyundai Accent có sức tiêu thụ vượt qua 1.000 chiếc thì sang tháng 2 đã có thêm 5 cái tên nữa được kết nạp vào tổ “nghìn xe” là Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Toyota Corolla Cross, Hyundai Creta và Mazda CX-5. Trong đó, không ít mẫu có doanh số tăng vọt trên 200%.
Có được kết quả này, nguyên nhân chính là trong tháng 2, nhiều hãng xe và đại lý tại Việt Nam đã triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi bao gồm giảm giá trực tiếp, tặng lệ phí trước bạ, tặng đồ phụ kiện,… với giá trị khuyến mại có xe lên đến cả trăm triệu đồng.
Đơn cử như ngay đầu tháng 2/2023, Honda Việt Nam đã triển khai chương trình hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ với Honda City. Điều này đồng nghĩa với việc khách mua Honda City trong vừa qua được hỗ trợ số tiền từ 53-72 triệu đồng. Ngoài ra, mẫu crossover bán chạy nhất của Honda là CR-V cũng được hãng này giảm trực tiếp từ 70-100 triệu đồng tuỳ phiên bản và VIN xe.
Trong tháng 2 vừa qua, Toyota Việt Nam đã rất mạnh tay giảm giá và tặng qua cho nhiều mẫu xe, trong đó tặng gói quà tặng trị giá 31 triệu đồng cho khách hàng mua xe Veloz Cross CVT, Avanza Premio CVT. Thêm nữa, tại một số đại lý Toyota, khách mua 2 mẫu MPV này được giảm thêm 30-40 triệu đồng.
Hay các đại lý của Hyundai đưa ra chương trình ưu đãi cho khách hàng trên tất cả các mẫu xe. Trong đó, Tucson được đại lý giảm giá gần 20 triệu đồng; Grand i10 giảm 33 triệu đồng; Elantra giảm 38 triệu đồng; Creta giảm 43 triệu đồng; Accent giảm 48 triệu đồng; Stargazer giảm 63 triệu đồng.
Đáng chú ý nhất chính là cái tên từng nổi tiếng với mác “bia kèm lạc” vào năm 2022 là Santa Fe cũng bất ngờ được hãng giảm giá mạnh lên tới cả trăm triệu. Riêng Santa Fe bản máy dầu cao cấp nhất, cả tiền giảm giá và khuyến mại đã là 135 triệu đồng.
Ngoài ra, các mẫu xe trong top bán chạy khác như Mitsubishi Xpander, Mazda CX-5, Toyota Vios,… cũng được các hãng và đại lý giảm giá từ 30-100 triệu đồng trong thời gian vừa qua nhằm kích cầu và chương trình giảm giá, khuyến mại còn tiếp tục được duy trì trong cả tháng 3.
Có thể sắp có thêm đợt giảm 50% lệ phí trước bạ
Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/3.
Đề xuất này được đưa ra trên kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm, các hãng sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước dần đối mặt với khó khăn, kéo theo sản xuất bị ảnh hưởng.
Trước đó, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã 2 lần được giảm 50% lệ phí trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (đợt đầu từ cuối tháng 6/2020 đến hết tháng 12/2020 và đợt 2 từ tháng 12/2021-5/2022), còn xe nhập khẩu không được hưởng chính sách này.
Đứng trước tình hình trên, 12 nhà nhập khẩu thuộc Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam (VIVA) cũng vừa gửi đề xuất tới Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ bày tỏ mong muốn cũng được hỗ trợ tương tự như các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đại diện VIVA cho rằng, các doanh nghiệp thành viên của mình cũng gặp những vấn đề khó khăn không kém gì so với các thành viên của VAMA, thậm chí khủng hoảng do sức mua giảm dẫn đến tình trạng tồn kho đối với xe nhập khẩu còn nghiêm trọng hơn.
Nhận định về các đề xuất này, các chuyên gia về thị trường ô tô cho rằng, nếu như áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước là có thể thực hiện ngay bởi tác động tích cực đến thị trường là khá rõ ràng và đã được kiểm chứng thì việc áp chính sách hỗ trợ tương tự với xe nhập khẩu lại là điều khó khả thi.
“Ô tô nhập khẩu thường có giá trị lớn, trong đó nhiều mẫu xe sang đắt tiền lên đến cả chục tỷ vốn không phải dành cho số đông. Nếu những chiếc xe này cũng được giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ không khác gì đem tiền đi biếu người giàu, đó là không công bằng”, chuyên gia thị trường, thạc sỹ marketing Nguyễn Văn Phương chia sẻ với VietNamNet.
Tuy vậy, nếu đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước được thông qua trong thời gian tới thì đây vẫn là liều “doping” đủ mạnh giúp kích cầu cho thị trường ô tô trong nước thêm sôi động.
Ưu đãi này kết hợp với chương trình giảm giá, khuyến mại lớn mà các hãng xe đang áp dụng; cùng với đó là chính sách miễn đăng kiểm lần đầu đến 3 năm cho xe đăng ký mới sắp được ban hành sẽ như “kiềng ba chân”, tác động thẳng đến túi tiền của người dân. Và hơn ai hết, khách hàng đang có nhu cầu mua xe là những người hưởng lợi nhất.