Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/4 khẳng định Covid-19 vẫn là mối nguy hiểm lớn với sức khỏe cộng đồng, nhấn mạnh các quốc gia không buông lỏng cảnh giác.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng, giảm mạnh số lượt xét nghiệm virus, nhóm chuyên gia của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO nhận định “còn rất lâu nữa đại dịch mới kết thúc”.

“Giờ không phải lúc để chúng ta mất cảnh giác. Ngược lại, đây là một khuyến nghị cực kỳ mạnh mẽ, rằng Covid-19 sẽ không chấm dứt sớm, virus còn lây lan rất mạnh, tỷ lệ tử vong vẫn cao và mầm bệnh đang tiến triển một cách khó lường”, Didier Houssin, Chủ tịch Ủy ban phát biểu.

Ông cho rằng giờ không phải lúc để chủ quan trước virus, hoặc buông lỏng giám sát, xét nghiệm và báo cáo các ca mới. Ông khuyến cáo các quốc gia tiếp tục thực hiện nghiêm túc những biện pháp y tế công cộng, không được phép ngừng chiến dịch tiêm chủng.

“Chúng tôi nhất trí đại dịch Covid-19 vẫn là sự kiện bất thường, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ lây lan toàn cầu liên tục”, đại diện Ủy ban cho biết thêm.

Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) ngày 30/1/2020, khi bên ngoài Trung Quốc chỉ có dưới 100 ca mắc và không có trường hợp tử vong nào. Đây là cơ chế được quốc tế công nhận để kích hoạt phản ứng quốc tế với một đợt bùng phát dịch bệnh.

Tuy nhiên, đến 11/3/2020, khi Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức gọi đây là đại dịch, nhiều quốc gia mới nhận thấy đây là mối nguy hiểm. Kể từ đó đến nay, Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 họp ba tháng một lần để thảo luận về đại dịch và đưa ra những khuyến cáo.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 20/12/2021. Ảnh: AFP
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 20/12/2021. Ảnh: AFP

Tuần trước, số ca tử vong mới ghi nhận trên toàn thế giới tiếp tục giảm trong ba tuần liên tiếp. Các nước báo cáo hơn 7 triệu ca mắc và hơn 22.000 trường hợp tử vong. Số người chết đã xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch khởi phát.

Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn đang chứng kiến các ca nhiễm tăng đột biến nghiêm trọng, gây áp lực lên các bệnh viện. Ông Tedros nhận định thế giới “vẫn đang ở giữa đại dịch”.

“Loại virus này theo thời gian trở nên dễ lây lan hơn, vẫn gây chết người, đặc biệt là với người không được bảo vệ và chưa tiêm chủng, người không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sử dụng thuốc kháng virus”, ông nói.

Ông Tedros kêu gọi cộng đồng tiếp tục tiêm phòng và đeo khẩu trang, đặc biệt ở không gian kín và đông đúc. WHO cho biết Omicron chiếm 99,2% số mẫu bệnh phẩm thu thập và giải trình tự gene virus trong 30 ngày qua trên kho dữ liệu GISAID. Biến chủng Delta giảm xuống dưới 0,1%.