Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đánh giá chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính “rất thành công”, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của quan hệ song phương trong tương lai.

Nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm, làm việc tại Mỹ ngày 11-17/5, VnExpress phỏng vấn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper về chuyến công du và triển vọng quan hệ song phương.

– Theo ông, chuyến thăm, làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính có tác động thế nào đến quan hệ song phương?

– Tôi rất vinh dự khi có mặt tại các sự kiện trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã dành một tuần ở Mỹ dù lịch trình rất bận rộn. Tôi nghĩ chuyến thăm là một thành công lớn. Thật đáng chú ý khi một lãnh đạo dành nhiều thời gian cho chuyến công du như vậy.

Đại sứ Marc Knapper trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở Hà Nội ngày 23/5. Ảnh: Ngọc Thành.

Chúng tôi đánh giá cao và rất trân trọng khi Thủ tướng đến thăm không chỉ Washington, mà còn cả Boston, New York và San Francisco. Điều này thực sự cho thấy tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, cho thấy cam kết của Thủ tướng với quan hệ Việt – Mỹ, cũng như cam kết sâu sắc của chúng tôi với mối quan hệ này.

Việc 12 thành viên nội các tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công du cũng là điều đáng chú ý, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam với quan hệ song phương.

Tiềm năng của quan hệ Việt – Mỹ rất lớn. Những cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như các đại biểu Việt Nam với Tổng thống và quan chức của chúng tôi đã đề cập đến mọi khía cạnh của quan hệ song phương, từ ngoại giao cho đến kinh doanh, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục, biến đổi khí hậu, năng lượng, giao lưu nhân dân.

Thông qua những cuộc trao đổi như vậy, chúng ta đã xác định các lĩnh vực để thúc đẩy hợp tác trong tương lai. Tôi nghĩ chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính là cơ hội tuyệt vời để hai nước tạo tiền đề thực chất cho sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Chúng tôi rất trân trọng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành một tuần ở Mỹ dù lịch trình rất bận rộn

– Đại sứ đánh giá thế nào về các phát biểu, hoạt động song phương của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công du?

– Bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và Đại học Harvard của Thủ tướng Phạm Minh Chính là những diễn văn xuất sắc. Các đồng nghiệp của tôi thực sự đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu bật rõ ràng, mạnh mẽ không chỉ lợi ích quốc gia của Việt Nam mà còn cả tầm quan trọng của quan hệ Việt – Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ Thủ tướng đã để lại ấn tượng rất tích cực cho khán giả có mặt tại sự kiện cũng như người xem trực tuyến.

9f0f947c578996d7cf98-1221-1653538056.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại CSIS và Đại học Harvard

Tôi không có mặt trong cuộc gặp của Tổng thống Joe Biden với Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhưng tôi đã thấy hình ảnh hai lãnh đạo ngồi ngay cạnh nhau trong tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng. Có vẻ họ đã có một cuộc trò chuyện rất tốt đẹp.

Khi xem hình ảnh đó, tôi nghĩ đến câu “một hình ảnh bằng nghìn từ ngữ”, khiến chúng ta cảm nhận rằng hai lãnh đạo rất tập trung và tận hưởng cuộc trò chuyện. Đối với tôi, điều đó nói lên rất nhiều điều, không chỉ về tình hữu nghị giữa hai nước, mà còn về tình bạn giữa hai lãnh đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Đồi Capitol và gặp không chỉ Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy, mà còn một số thượng nghị sĩ khác rất quan tâm đến quan hệ Việt – Mỹ, đặc biệt là vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh mà ông Leahy đã tích cực thúc đẩy.

Vì vậy, đây là cơ hội để Mỹ trao đổi với Việt Nam về cam kết của Washington trong khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm vấn đề chất độc da cam, xử lý bom mìn chưa nổ, cũng như hỗ trợ người khuyết tật.

Đại sứ Mỹ nói về cuộc trò chuyện của Thủ tướng và Tổng thống Biden
Đại sứ Marc Knapper nói về cuộc trò chuyện của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Biden tại Nhà Trắng. Video: Anh Phú.

– Trong bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba lĩnh vực có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mỹ sẽ làm gì để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này?

– Về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry hai lần, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ và sự kiện do ông Kerry chủ trì ở Boston. Họ đã thảo luận về những cách thức để Việt – Mỹ hợp tác về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam cũng như trong các lĩnh vực tài chính khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn. Đây là ba khía cạnh mà Mỹ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau.

Chuyển đổi số là lĩnh vực không chỉ chính phủ Mỹ có thể hỗ trợ mà cả các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Google, Facebook có thể là đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang kinh tế số. Đây là vấn đề chúng tôi ủng hộ nhiệt tình vì điều đó sẽ mang đến thịnh vượng, không chỉ cho người dân Việt Nam mà cả người dân trong khu vực và Mỹ. Chúng tôi tin điều này sẽ góp phần để Việt Nam giàu mạnh, độc lập và thịnh vượng hơn.

Vấn đề chuỗi cung ứng phụ thuộc nhiều vào quyết định của các công ty, dựa trên những tính toán của họ về lợi nhuận và điều gì là tốt nhất cho họ. Nhưng tôi chắc chắn Việt Nam là một địa điểm rất hấp dẫn đối với các nhà sản xuất. Có những công ty Mỹ đánh giá rất cao tay nghề của lao động Việt Nam.

Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy rằng chuỗi cung ứng an toàn, ổn định sẽ ngày càng quan trọng hơn đối với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và chắc chắn là Việt Nam. Chúng ta có thể hình dung ra tương lai Việt Nam liên kết chặt chẽ hơn nữa về kinh tế với Mỹ, khi hai bên nỗ lực đảm bảo khả năng tiếp cận ổn định không chỉ với các sản phẩm và linh kiện, mà còn cả thị trường ổn định, nơi chúng ta có thể bán thành phẩm của mình.

6-1653010840-5-6293-1653400028.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Biden, quan chức và nghị sĩ Mỹ

– Trong Hội nghị Cấp cao đặc biệt tại Washington, Mỹ đã công bố gói sáng kiến 150 triệu USD để hỗ trợ ASEAN. Mỹ sẽ triển khai sáng kiến đó với Việt Nam như thế nào?

– Nhà Trắng đã cam kết hỗ trợ ASEAN trong nhiều lĩnh vực như hợp tác hàng hải, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân. Tôi sẽ đi sâu vào vấn đề hợp tác hàng hải. Mỹ đã công bố khoản 60 triệu USD để hỗ trợ lực lượng hành pháp trên biển, không chỉ là hoạt động của Tuần duyên Mỹ ở khu vực này, mà còn cả các nỗ lực nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển trong khu vực, trong đó có Cảnh sát biển Việt Nam.

Tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam đã có mối quan hệ rất bền chặt và tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai, vì lực lượng hành pháp trên biển trong khu vực đang ở tuyến đầu của một số vấn đề quan trọng nhất, như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nghề cá, chống đánh bắt bất hợp pháp, đảm bảo các quốc gia có thể bảo vệ không gian hàng hải của họ, ngăn chặn các tuyên bố chủ quyền hàng hải bất hợp pháp. Họ cũng đóng vai trò lớn về cứu trợ thiên tai và hỗ trợ nhân đạo với những người gặp nạn trên biển.

Chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều hợp tác hơn nữa giữa Tuần duyên Mỹ và Cảnh sát biển Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi đã chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam hai tàu tuần tra lớp Hamilton và sẵn sàng cung cấp chiếc thứ ba.

Một lĩnh vực hợp tác khác với ASEAN mà chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn là giáo dục. Mỹ sẽ tăng gấp đôi quy mô chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á để chào đón các lãnh đạo trẻ, đang lên của Đông Nam Á đến Mỹ tham gia các chương trình như Trường Nghiên cứu Quốc tế Nâng cao (SAIS) thuộc Đại học Johns Hopkins ở thủ đô Washington. Những sáng kiến này không phải là lời nói suông, đây là những hành động thực sự với nguồn lực thực chất, thể hiện cam kết nghiêm túc và sâu sắc của Mỹ trong quan hệ với ASEAN.

– Ông đề cập rằng Mỹ sẵn sàng chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton thứ ba cho Việt Nam. Ngoài vấn đề này, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác như thế nào với Việt Nam về an ninh hàng hải?

– Tôi gần đây tham dự sự kiện bàn giao Trạm Sửa chữa tàu và Trung tâm huấn luyện cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là thiết bị để đưa tàu vào đất liền sửa chữa, đảm bảo rằng chúng có thể quay trở lại biển. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những công việc mà chúng tôi đang làm.

Tất nhiên, tàu tuần tra là vấn đề lớn và dễ thấy. Nhưng hàng ngày, bằng các hoạt động dù lớn hay nhỏ, chúng tôi đều làm việc nhằm hỗ trợ Việt Nam xây dựng lực lượng Cảnh sát biển có năng lực nhất có thể để bảo vệ vùng biển, tài nguyên quốc gia, tài nguyên thiên nhiên. Tôi kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục được tăng cường, đặc biệt khi Mỹ đã công bố sáng kiến mới với ASEAN.

27 năm quan hệ Việt – Mỹ. Đồ họa: Phương Vũ – Tiến Thành

– Chính quyền Tổng thống Biden hồi tháng hai công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới. Mỹ sẽ thực hiện các trụ cột trong chiến lược này với Việt Nam ra sao?

– Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ có 5 trụ cột chính là tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh và chống chịu tốt. Đây là chiến lược cho toàn khu vực, nhưng mỗi khía cạnh đều có liên hệ trực tiếp với quan hệ Việt – Mỹ.

Trụ cột “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” liên quan đến mục tiêu chung giữa Mỹ và Việt Nam là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo thực hành thương mại không bị ép buộc hay cản trở.

Khía cạnh “kết nối” liên quan đến tầm quan trọng của APEC, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.

“Thịnh vượng” liên quan đến những nỗ lực của chúng tôi nhằm đảm bảo mối quan hệ kinh tế Việt – Mỹ có thể đóng góp vào sự thịnh vượng của cả hai nước, thông qua đầu tư Mỹ vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam vào Mỹ đang ngày càng tăng.

Về trụ cột “an ninh”, Mỹ đang làm việc với Việt Nam để góp phần đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và an ninh quốc gia của Việt Nam trước các tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp, trái luật pháp quốc tế.

Về khả năng “chống chịu tốt”, chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ với Việt Nam về các vấn đề như đối phó biến đổi khí hậu, đại dịch toàn cầu và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong tương lai.

– Mỹ đã mở văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á ở Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Động thái này có tác động thế nào đến quan hệ song phương trong hợp tác chống dịch?

– Quyết định đặt văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội thể hiện hai điều. Thứ nhất là niềm tin rằng Việt Nam có vị trí lý tưởng để đặt một văn phòng có trách nhiệm cấp khu vực về vấn đề quan trọng là hợp tác y tế.

Thứ hai, đặt văn phòng ở đây là sự công nhận mối quan hệ hợp tác y tế rất bền chặt giữa hai nước đã tồn tại từ năm 2004, 2005, khi chúng ta bắt đầu cùng nhau phòng chống HIV/AIDS, sau đó là bệnh lao và Covid-19. Hợp tác y tế là trụ cột quan trọng của quan hệ Việt – Mỹ, nên việc có một cơ sở quan trọng như văn phòng CDC cấp khu vực tại Hà Nội là điều dễ hiểu.

– Từng giữ chức tham tán chính trị Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam năm 2004 – 2007, ông cảm thấy thế nào khi quay trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ từ tháng hai?

Đồ họa: Tiến Thành – Phương Vũ

– Tôi rất vui khi được quay lại Việt Nam sau 15 năm. Thật tuyệt vời khi thấy Việt Nam đã thay đổi nhiều như thế nào. Gia đình tôi từng sống ở đường Tô Ngọc Vân và chúng tôi đã đến thăm lại khu phố. Có một số điều vẫn giống ngày xưa, nhưng nhiều hàng quán đã mọc lên.

Dù vậy, có một điều không thay đổi sau 15 năm qua là lòng hiếu khách của người dân Việt Nam. Gia đình tôi đã nhận được sự chào đón rất nồng ấm. Tôi thực sự rất ấm lòng.

Mục tiêu của tôi trong nhiệm kỳ Đại sứ là làm sâu sắc hơn tình hữu nghị giữa hai quốc gia, tìm cách tăng cường hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục, thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, kỹ thuật số. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng với cả hai nước.

Vì vậy, tôi muốn tình bạn của chúng ta ngày càng sâu sắc, sự tin cậy giữa hai nước ngày càng tăng cường. Tôi muốn thấy Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có năng lực bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền. Đây đều là những mục tiêu quan trọng của Mỹ.

Phương Vũ